Goldman Sachs - The Wall Street White Knight

Dec 30, 2007

“Trái đắng” có lẽ là món ăn thường xuyên xuất hiện nhất trên thực đơn của những nhân vật hàng đầu tại phố Wall trong năm qua. Tuy nhiên, ở số 85, Broad Street, một bữa tiệc linh đình đang sửa soạn diễn ra, đánh dấu một năm thành công vang dội của Goldman Sachs.

Một năm tốt lành

Cơn bão tài chính trong năm qua đã cuốn phăng hàng chục tỉ đô la của các đại gia Citigroup, UBS, Merrill Lynch và Morgan Stanley. Được đánh giá là công ty môi giới hàng đầu thế giới, Merrill Lynch đã mở đầu với khoản lỗ 7,4 tỉ USD từ thị trường tín dụng địa ốc, kéo theo sự ra đi của giám đốc điều hành Stanley O'Neal. Chuck Prince cũng không vui gì hơn khi từ bỏ chức vụ chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Citi sau khi tập đoàn này công bố khoản lỗ kếch xù 11 tỉ USD, nhường chỗ cho Vikram Pandit và Ngài Win Bischoff lên làm giám đốc điều hành và chủ tịch. UBS, ngân hàng hàng đầu của Thụy Sĩ cũng không kém cạnh với khoản lỗ 7 tỉ Euro (tương đương 10 tỉ đô la Mỹ). 9,4 tỉ USD không cánh mà bay cũng khiến cho vị trí của ngài giám đốc quản lý rủi ro tại Morgan Stanley, ông Tom Daula, lung lay hơn bao giờ hết. Tổn thất nặng nề (hơn cả 10 tỉ FDI đổ vào Việt Nam năm 2006) đã buộc Citi phải cầu cứu Cơ quan đầu tư Abu Dhabi để bù đắp 7,5 tỉ USD vào bản cân đối kế toán đang căng mình hứng bão. Trong một động thái tương tự, UBS đã tìm đến GIC, một công ty quản lý đầu tư toàn cầu do chính phủ Singapore thành lập năm 1981 với hầu bao trên dưới 100 tỉ USD, và một nhà đầu tư chưa xướng tên từ khu vực Trung Đông.

Trái ngược với bức tranh ảm đạm ấy, Goldman Sachs đã lướt băng băng ra khỏi tâm bão với một thành công đáng kinh ngạc. Chẳng những không bị trầy xước ,chỉ tính riêng trong quý 4, Goldman đã bỏ túi 3,22 tỉ USD, hay 7,01 USD trên một cổ phiếu, tăng 2% so với 3,15 tỉ USD, hay 6,59 USD trên một cổ phiếu, cùng kì năm ngoái. Tính chung cả năm, ngân hàng đầu tư này đã đạt lợi nhuận kỉ lục 11,6 tỉ USD, tương đương 24,73 USD trên một cổ phiếu, tăng tới 26 phần trăm so với năm trước! Để tưởng thưởng cho công lao này, Goldman Sachs đã dự định chi cho chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Lloyd Blankfein tới 68,5 triệu đô la, tăng 30% so với mức 54 tỉ USD năm ngoái. Toàn bộ 29.000 nhân viên của tập đoàn này, cùng với nhiều nhân viên ngoài biên chế khác, cũng sẽ nhận mức lương và thưởng trung bình 360.000 USD một người. “Anh có vui không? Tôi nghĩ đa số sẽ trả lời có. Chúng tôi đã làm tốt nên xứng đáng hưởng thành quả lao động của mình”, một nhân viên vui mừng cho biết. Goldman Sachs đã thành công trong chiến lược phân tán rủi ro của họ, lấy lợi nhuận từ các quỹ đầu cơ để bù đắp cho khoản lỗ không đáng kể trên thị trường tính dụng nhà đất. Tờ New York Times đã thật không ngoa khi nói rằng trong thế giới tài chính, Goldman Sachs là chàng hiệp sĩ không địch thủ.

Một phần lương bổng của những quan chức cao nhất sẽ được tự động đưa vào một quỹ từ thiện do công ty quản lý.

Cuộc họp định mệnh

Cùng với Lloyd Blankfein, David Viniar là cái tên thứ hai được nhắc đến nhiều nhất ở phố Wall. Vị giám đốc tài chính “thà chặt tay chứ đừng hòng phỏng vấn tôi” này chính là người đã triệu tập cuộc họp định mệnh vào ngày 14/12 năm ngoái để bàn về chiến lược đối phó của Goldman Sachs trước những tín hiệu xấu từ thị trường nhà đất. Cuộc họp với sự có mặt của các quan chức cấp cao đến từ phòng thế chấp, phòng quản lý rủi rõ, phòng kế toán và những quan chức khác đã đưa ra một quyết định “vàng”: ngăn ngừa những rủi ro từ thị trường nhà đất bằng cách chuyển hướng chiến lược sang đầu cơ. Chiến lược đầu cơ ấy đã từng bước đem lợi nhuận lại ở quý ba, quý tư và khép lại năm 2007 thành công mỹ mãn cho chàng hiệp sĩ của chúng ta. Dù tình trạng khủng hoảng tín dụng vẫn còn kéo dài và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2008 đã khiến David Viniar tỏ ra thận trọng nhưng ông vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của tập đoàn.

Hi vọng với đội ngũ chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới cùng với khả năng lèo lái siêu việt của cặp bài trùng Lloyd Blankfein và David Viniar, chàng hiệp sĩ bạch mã sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện thần kì tại phố Wall.

Đôi nét về tập đoàn Goldman Sachs

Goldman Sachs là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới được thành lập từ năm 1869, có đại bản doanh ở số 85, Broad Street, Lower Manhattan, thành phố New York. Tập đoàn này hiện diện ở những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như London, Frankfurt, Sydney, Singapore hay Tokyo. Nhiều cựu quan chức của tập đoàn hiện đang nắm giữ những chức vụ lãnh đạo tại Sở Chứng Khoán New York, Ngân Hàng Thế Giới, Nhà Trắng, hay thậm chí là trong những tập đoàn đối thủ như Citigroup và Merrill Lynch.

Notes On Vietnam's Economy

Dec 28, 2007

Bài viết của TS. Vũ Quang Việt - Trưởng nhóm chuyên gia phân tích thuộc Cục Thống kê Liên hip quốc (New York). Đăng tải trên VnEconomy ngày 28/12/2007

Tôi đã định viết một bài nhằm đánh giá chất lượng nền kinh tế và khả năng điều hành nền kinh tế của Nhà nước hiện nay. Nhưng rồi thấy đề tài như thế cần nhiều số liệu thống kê mà hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa làm hoặc có làm nhưng chưa công bố đầy đủ, vậy chỉ có thể trình bày các ghi chú.

Vấn đề thông tin thống kê

So với trước đây, có thể thấy một số chuyển đổi khá tốt về việc cung cấp thông tin của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên các ngành khác vẫn bình chân như vại. Mạng Ngân hàng Nhà nước gần như không có thông tin. Đành phải dùng số liệu về tiền tệ tín dụng Việt Nam nộp cho IMF, hoặc ADB nhưng rồi gặp vấn nạn mỗi nguồn một phách.

Có lẽ những nơi này phải sử dụng một số số liệu được cung cấp, tìm thêm số liệu từ các nguồn khác và rồi tự tính. Vẫn không hiểu tại sao thông tin về tiền tệ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ ưu ái cho tổ chức và người nước ngoài nhưng lại giữ bí mật với dân đến thế.

Mạng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có khá hơn một chút, có một số các văn bản, nhưng muốn theo dõi thông tin có tính chất tổng hợp thì không biết tìm ở đâu. Không hiểu nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp thông tin về thị trường chứng khoán thuộc về ai: Ngân hàng Nhà nước như ở Mỹ hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cứ theo nhiệm vụ được giao cho ủy ban này là “thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán…” và “tổ chức nghiên cứu khoa học về chứng khoán và thị trường chứng khoán” thì ắt nhiệm vụ thu thập thống kê về thị trường chứng khoán phải thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tìm thông tin hàng ngày về chứng khoán thì phải đến các sàn giao dịch riêng như ở TPHCM và Hà Nội là đương nhiên, nhưng đây không phải là nơi thu thập mà chỉ là nơi phải cấp thông tin để Nhà nước nắm tình hình, chẳng hạn như về giá trị cổ phiếu mà người nước ngoài hiện nắm giữ. Những thông tin này cực kỳ cần thiết để Nhà nước ra quyết sách. Việc rút khỏi thị trường của vốn nước ngoài có thể làm tê liệt nền kinh tế.

Nói về thông tin thì không phải chỉ xem có thông tin hay không mà cũng phải duyệt qua chất lượng thông tin. Bộ Tài chính có khẩu hiệu khá ấn tượng “công khai ngân sách nhà nước” trên mạng của bộ. Các nước thường công bố thu chi ngân sách tạm kết toán ngay sau năm tài khóa, để so với dự toán, rồi sau đó điều chỉnh dần cho đến khi có quyết toán (ngay ở châu Âu, nhiều nước tiếp tục điều chỉnh ít nhất là năm năm sau đó, không phải chỉ vì các khoản chi thu cần được làm sáng tỏ mà còn vì sự thay đổi của nguyên tắc kế toán).

Ở nước ta, Bộ Tài chính mới chỉ quyết toán năm 2005 vào gần cuối năm 2007, tức là gần hai năm sau mới đưa ra số liệu. Tuy vậy, số liệu năm 2005 này giúp ta thấy được một tình trạng khá kinh ngạc mà hình như chưa ai để ý tới: đó là sự khác biệt lớn giữa quyết toán và dự toán.

Thí dụ năm 2005, quyết toán chi là 313.000 tỉ so với dự toán chi do Quốc hội định là 230.000 tỉ, cao hơn 36%, (nếu trừ đi phần đã xuất quỹ nhưng chuyển sang năm tới để chi thì quyết toán chi vẫn cao hơn dự toán là 28%). Đây một con số quá lớn làm ta phải đánh dấu hỏi về khả năng kiểm soát thu chi nhà nước của Quốc hội.

Kể ra, công khai như thế cũng đã là bước tiến “nhảy vọt” kể từ sau đổi mới bởi trước đó ngân sách là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, bộ cũng cần thêm bước “tiểu nhảy vọt” nữa vì trong ngân sách hiện nay vẫn có đến 12-15% ngân sách chi cho sự nghiệp suốt từ năm 2000 đến nay không biết chi vào đâu. Ngoài ra mỗi năm lại còn một phần khá mù mờ, đó là phần đã xuất quỹ nhưng chưa quyết toán, năm nào cũng lớn, thí dụ năm 2004 lên tới 9% chi ngân sách. Nói tóm lại, số liệu cho thấy có trên 20% chi ngân sách chưa có lời giải thích.

Số liệu về lao động có việc làm là thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng kinh tế, và nhằm theo dõi sát sao tình hình kinh tế. Các nước thường xuất bản số liệu này hàng tháng, còn Tổng cục Thống kê chỉ điều tra hàng năm vào tháng 7, nhưng số liệu công bố vào lúc này trên mạng thì chỉ có đến năm 2004.

Khởi sắc và vấn đề mới phải đối mặt

Tốc độ tăng GDP có thể nói là khởi sắc. Nợ nước ngoài thấp. Khả năng trả nợ không có vấn đề. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mở rộng thêm khả năng gắn bó và mở rộng thị trường với kinh tế thế giới mà không còn bị vấn đề chính trị ngăn cản.

Sự hồ hởi của người nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam là chưa từng thấy. Điều này đã phản ánh qua luồng ngoại tệ đổ vào Việt Nam cao nhất từ xưa đến nay từ đầu tư trực tiếp đến đầu tư gián tiếp qua việc mua cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam. Khi số liệu thống kê năm 2007 được thu thập đầy đủ, ta sẽ thấy rõ vấn đề này hơn.

Năm 2007, số ngoại tệ đưa vào Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước mua vào đã lên tới 9 tỉ USD hoặc hơn. Chính vì vậy, Việt Nam đang cố tìm cách quản lý tình hình phức tạp này. Ngoại tệ vào nhiều tạo ra hai vấn đề. Số cung ngoại tệ nhiều sẽ làm ngoại tệ mất giá, hay nói khác đi, tiền đồng lên giá đối với ngoại tệ.

Vấn đề thứ hai là việc phát hành tiền đồng để đổi ngoại tệ sang tiền đồng đã làm tăng số cung tiền đồng trên thị trường. Điều này nếu không có biện pháp xử lý nhằm triệt tiêu số tiền đồng trên sẽ làm lạm phát nhảy vọt. Không thể phát hành trái phiếu nhà nước vì tiền thu về, Bộ Tài chính sẽ đem ra chi, làm tăng áp lực lạm phát.

Thực tế trong tình hình hiện nay là phải giảm chi của Bộ Tài chính. Như vậy, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể làm việc triệt tiêu tiền trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu ngân hàng thu tiền về và giữ trong kho.

Vấn đề phát hành tiền đồng quá trớn đã xảy ra từ lâu, lạm phát cao cũng đã xảy ra từ lâu, ít ra từ năm 2004. Luồng ngoại tệ đổ thêm vào Việt Nam năm 2007 chỉ như đổ dầu thêm vào lửa thôi. Hiện tượng phát hành tiền Việt quá nhiều trong thời gian dài là nhằm vào mục đích tăng chi tiêu nhà nước, nhất là vào đầu tư để chạy đua lập thành tích đạt con số tăng GDP cao.

Do đó không thể đánh đồng tỷ lệ tăng GDP cao với tỷ lệ phát triển kinh tế. GDP to nhưng bị cắt xén bỏ túi riêng, chất lượng xây dựng thấp kém, ô nhiễm môi trường nặng nề, tăng tỷ lệ nghèo đói…

Lạm phát và mầm mống của bất ổn

Giá tăng liên tục có lẽ đang làm tăng tỷ lệ dân không đủ ăn, phá vỡ một thành tích đạt được trong thời đổi mới, đặc biệt là lạm phát giá lương thực và thực phẩm trong 10 tháng đầu năm lên trên 10%, riêng lương thực là 15%.

Không đủ ăn được định nghĩa là không đủ 2.100 calories hàng ngày và tính theo thời giá là 200.000 đồng một tháng. Tỷ lệ dân không đủ ăn là 19,5% năm 2004 theo nghiên cứu của Việt Nam công bố trên website của World Bank. Như vậy có đến hơn 16 triệu người không kiếm nổi 200.000 đồng một tháng.

Lạm phát cao và liên tục làm người có lương cố định nghèo đi. Từ năm 2000 đến nay, nếu không được tăng lương thì mức sống của người lao động vào năm 2006 đã giảm 42%. Dân lao động khó có thể ngồi yên mà không đòi tăng lương, và việc tăng lương lại góp thêm vào vòng xoáy lạm phát.

Lương tăng nhưng giá trị tiền đồng lại lên giá so với ngoại tệ, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì hàng Việt Nam mất khả năng cạnh tranh về giá. Điều này lại càng làm cho cán cân xuất nhập khẩu âm lớn hơn hiện nay.

Có một hiện tượng nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 2004 đến nay là việc tăng tín dụng, phát hành tiền đã làm tăng lạm phát, làm tiền đồng nhanh chóng mất sức mua trong nội bộ nền kinh tế, trong khi đó giá trị tiền đồng so với đồng USD Mỹ lại tăng giá, làm mất tính cạnh tranh của hàng Việt Nam. Trong vòng bốn năm qua đồng Việt Nam đã lên giá 13% so với đồng USD Mỹ.

Nếu ai hỏi tôi về chính sách ưu tiên cần thực hiện hiện nay thì tôi phải trả lời đó là chống lạm phát. Nếu không làm, xã hội sẽ ngày càng mất ổn định. Thật khó hiểu khi nhiều nhà làm chính sách vẫn hô hào làm sao giữ lạm phát thấp hơn tốc độ phát triển là được.

Nếu lạm phát cứ 8% hoặc cao hơn mỗi năm, người lao động ngày càng nghèo, người có tài sản ngày càng giàu vì mọi người có khả năng sẽ đổ xô mua tài sản vì nó là biện pháp duy nhất bảo vệ giá trị tài sản. Lúc đó thì tốc độ tăng trưởng dù có đạt 8 hay 10% chỉ có lợi cho người giàu, còn người nghèo sẽ bị bỏ lại bên lề xã hội. Mà người nghèo có thể tới 80-90% dân số chứ không ít. Trước đổi mới, lạm phát làm mọi người cùng nghèo. Hiện nay chỉ có dân không có tài sản mới bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lại có lý luận hết sức buồn cười là lạm phát hiện nay là do giá dầu tăng. Cứ nhìn thống kê thì thấy lạm phát ở Việt Nam không mới, đã ở mức không chấp nhận được từ năm 2004.

Lý luận trên ngược lại với những thông tin sẵn có về lạm phát thấp ở nhiều nước mặc dù họ cũng gặp vấn đề giá dầu tăng. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng giá cao nhất. Trong sáu năm qua, đồng tiền đã mất sức mua 42%. Còn những nước không có xăng dầu như Nhật thì giảm phát, Singapore và Hàn Quốc thì lạm phát rất thấp dù họ không có dầu hỏa.

Tất nhiên việc tăng giá dầu có tác động đến mặt bằng giá chung, nhưng chính sách tiền tệ và tín dụng đúng đắn vẫn có khả năng điều chỉnh. Hiện nay, năm 2007, Mỹ có bị áp lực tăng giá do giá dầu tăng, nhưng cũng chỉ tới mức 3,5%. Nhật vẫn tiếp tục âm. Còn Thái Lan, Singapore đều dưới 2,7%, Malaysia dưới 2%.

Các nước khác lạm phát cao thì đều là do sai lầm về chính sách, chứ không chỉ vì giá dầu. Chỉ nhìn tốc độ tăng tiền tệ hay tín dụng hàng năm ở Việt Nam là biết tại sao giá tăng.

Chạy đua và gian dối

Việc chạy đua đạt tốc độ tăng GDP thần kỳ đã phổ biến rộng khắp toàn xã hội. Những con số mới nhất mà các tỉnh đưa ra cho thấy tốc độ tăng GDP của họ là thần kỳ giả tạo. (Đáng lẽ vấn đề công bố thống kê phải thuộc Tổng cục Thống kê chứ không thuộc tỉnh). Những con số mà mà các tỉnh báo cáo cho thấy điều phi lý là họ chạy nhanh hơn cả nước.

Với tình trạng hiện nay, trung ương chạy đua và các tỉnh cũng cùng chạy đua theo tiếng còi chỉ tiêu GDP. Không biết đầu tư từ ngân sách (lên đến trên 9% GDP, bằng một phần ba ngân sách) sẽ phí phạm biết chừng nào.

Đã là một nền kinh tế thị trường thì đáng lẽ việc đạt tốc độ tăng không nằm trong tay Nhà nước mà trong tay doanh nghiệp và dân chúng. Vậy thì có lý gì phải có chỉ tiêu tăng GDP để phí phạm.

Đồng ý là cần dự báo GDP để cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp có thể tính toán về thị trường và về nhu cầu đầu tư cho hạ tầng như điện, nước, đường sá, cầu cảng... nhưng không nên xem nó là chỉ tiêu phải đạt để rồi phí phạm ngân sách. Dự báo và chỉ tiêu là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Theo TBKTSG

Active Listener

Dec 23, 2007

Một trong những bí ẩn dấn đến thành công trong quản trị được chôn giấu kĩ nhất chính là khả năng chủ động lắng nghe. Chủ động lắng nghe tức là cho người khác biết bạn đã và đang lắng nghe những gì họ nói. Bạn lắng nghe bằng cách hòa mình vào cuộc đối thoại, trình bày quan điểm mạch lạc, biết đặt câu hỏi và tóm lại nội dung mình vừa nghe, dùng những tín hiệu bằng giọng nói hay thị giác thích hợp. Người lắng nghe tốt nhất chính là người lắng nghe chủ động nhất. Các quản trị viên mới cần phải quan tâm đến khả năng chủ động giao tiếp và lắng nghe. Nhiều quản trị viên mới thường quan niệm sai lầm rằng vào giây phút họ được đề bạt lên vị trí mới, mọi người sẽ dồn hết tâm trí vào từng ngôn từ đi ra từ miệng họ. Thế là họ bắt đầu thỏa mãn nhu cầu đó. Những quản trị viên nói trên cần phải nhớ rằng họ có hai cái tai và một cái miệng; cho nên họ cần dành gấp đôi thời gian để lắng nghe thay vì nói chuyện.

Chủ động lắng nghe là một trong những đặc điểm “đắt giá” nhất mà một quản trị viên mới có thể thể hiện vì hai lý do quan trọng: trước hết, nếu bạn chịu khó chủ động lắng nghe thì đồng nghiệp sẽ không cho rằng bạn là kẻ cái gì cũng biết. Đa số mọi người đều quan niệm những người nói nhiều theo cách đó. Thứ hai, bạn sẽ nắm bắt được những gì đang diễn ra khi nói ít và chủ động lắng nghe. Bạn sẽ chẳng biết được gì khi cứ thao thao bất tuyệt.

Phần đông chúng ta không phải là những người biết chủ động lắng nghe. Và chúng ta nên đi vào tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như vậy.

Người lắng nghe “khiêm tốn”

Nhiều người tin rằng âm thanh đẹp đẽ nhất trên thế gian chính là giọng nói của mình. Đó như tiếng nhạc thánh thót bên tai. Một mình họ nghe chưa đủ nên còn đòi hỏi thêm người khác lắng nghe âm thanh tuyệt vời đó nữa. Những tấm gương điển hình như vậy thường quan tâm hơn đến những điều bản thân họ sắp nói thay vì những gì người khác đang nói. Quả thực, con người ta đa số đều có thể nhớ được gần hết những gì mình nói trong khi gần như không thể nhớ được lời nói của người khác. Họ chỉ lắng nghe một phần, và không phải là một “active listener”. Họ quá bận rộn suy nghĩ về những điều khôn ngoan mà mình sắp sửa nói ra.

Trong trường hợp bạn không thể nhớ bất kì điểm nào trong chương này, chỉ cần nhớ lại “bí kiếp” này thì bạn sẽ vô cùng thành công rồi đấy: Nếu bạn muốn mọi người công nhận mình là một nhà quản lý tài ba, hãy chủ động lắng nghe những gì họ nói.

Nhiều nhà quản lý, mới và không mới lắm, lúc nào cũng chỉ biết thao thao bất tuyệt mà không dành nhiều thời gian để lắng nghe. Nói quá nhiều sẽ làm lu mờ khả năng nhận biết của bạn. Ngược lại, bạn sẽ học được rất nhiều điều khi lắng nghe. Các tân quản trị viên thường nghĩ rằng giờ đây họ đã là người cầm cân nảy mực thì mọi người sẽ chỉ biết lắng nghe từng lời họ nói. Càng nói thì nguy cơ bạn làm người khác nhàm chán càng cao. Càng lắng nghe thì bạn càng học hỏi được nhiều. Đây dường như là một lựa chọn hiển nhiên, đặc biệt đối với một nhà quản lý.

Một nguyên nhân nữa hạn chế khả năng lắng nghe của con người chính là khoảng trống trong tiếp thu. Chúng ta hầu hết giao tiếp ở tốc độ 80 đến 120 từ một phút. Giả định tốc độ nói trung bình là 100 từ một phút. Con người có thể tiếp thu ở tốc độ cao hơn rất nhiều. Những ai đã từng học một khóa đọc hiểu tốc độ và vẫn còn duy trì kĩ năng này thì việc tiếp thu trên 1000 từ một phút không có gì khó khăn. Giả sử một người đang nói chuyện ở tốc độ 100 từ một phút với một người nghe có khả năng tiếp thu 1000 từ một phút thì khoảng cách tiếp thu là 900 từ một phút. Với tốc độ nói 100 từ một phút, chúng ta không cần phải tập trung toàn bộ tâm trí khi lắng nghe, do vậy thường không chú ý đến người đang nói. Chúng ta để đầu óc bay bổng với những ý nghĩ khác, và trở lại với cuộc trò chuyện xem có gì thú vị không theo những chu kì nhất định. Nếu chúng ta thích thú hơn với những ý tưởng đang bay bổng trong đầu mình thay vì những gì người đối diện đang nói thì những lần chúng ta quay trở lại cuộc đối thoại để xem anh ta hay cô ta đang nói gì sẽ lâu hơn. Ai cũng có nhu cầu được lắng nghe. Do đó nếu chúng ta là những người chủ động lắng nghe tuyệt cú mèo thì có phải đã cung cấp cho người khác một dịch vụ thật phi thường rồi không? Một nhà quản lý luôn chủ động lắng nghe đã đáp ứng được nhu cầu của mọi nhân viên của mình rồi đấy.

Người chủ động lắng nghe

Những người chủ động lắng nghe thường sở hữu một số đặc thù và kĩ năng nhất định, có thể vun đắp theo thời gian. Trước hết, họ khuyến khích người khác trò chuyện. Đến khi nói thì họ không chuyển cuộc đối thoại về phía mình mà tiếp tục những gì người đối diện đang nói. Họ sử dụng những cụm từ hay cử chỉ nhất định để ra hiệu cho người kia thấy họ thực sự thích thú với cuộc trò chuyện.

Nhìn vào người đối diện là hành động cho thấy bạn quan tâm đến những điều họ nói và thực sự chăm chú lắng nghe từng ngôn từ của họ. Thỉnh thoảng gật đầu một cách quả quyết cho thấy bạn hiểu người nói đang đề cập đến vấn đề gì. Nếu một nụ cười đi kèm với cái gật đầu ấy thì bạn đang tỏ ra cho người nói thấy mình rất thích thú trò chuyện với họ.

Những suy nghĩ khác có thể nảy sinh trong tâm tưởng khi bạn đang thảo luận về một vấn đề với nhân viên. Bạn cần phải làm chủ những suy nghĩ đó. Trong cuộc thảo luận, hãy cố gắng dự đoán phương hướng, xem đối phương có thể đặt câu hỏi gì. Nếu ai đó đề xuất một giải pháp thì hãy cố tìm tòi những giải pháp khác. Nếu bạn có thể tập trung một trăm phần trăm vào cuộc đối thoại thì thật lý tưởng nhưng thực tế vẫn tồn tại khoảng trống trong tiếp thu. Bằng cách làm chủ những ý nghĩ “lạc đàn”, bạn có thể gần như tập trung vào đề tài mình đang nói thay vì những ý nghĩ xa xôi gây sao lãng.

Một lời bình luận được đặt đúng chỗ cũng cho người nói thấy được bạn thực sự quan tâm đến những gì anh hay cô ta nói:

“Thật thú vị.”

“Rồi sao nữa?”

“Sao cậu nghĩ cô ta lại nói vậy?”

“Sao chị lại có cảm nhận như thế?”

Thực thế, chỉ cần nói:”Nghe hấp dẫn quá, anh/chị kể tiếp đi,” cũng đã đủ để biến bạn thành mọt người nói chuyện thông minh trong mắt mọi người rồi.

Lắng nghe chủ động cũng động nghĩa ba hình thái giao tiếp phải đi song song với nhau. Nói như vậy nghĩa là từ ngữ, nét mặt, và giọng điệu phải cùng đưa ra một thông điệp. Người nói sẽ thấy khó hiểu khi bạn đáp lại:” Nghe hấp dẫn quá, anh/chị kể tiếp đi” mà nhăn mặt hay nói bằng giọng điệu châm biếm. Hoặc giả bạn đáp lại bằng lời nói mà lại nhìn đi chỗ khác hay chăm chú vào một tài liệu nào đó. Chắc hẳn bạn không dám cam đoan người nghe này thực sự quan tâm đến những điều bạn nói.

Làm thế nào để kết thúc cuộc trò chuyện?

Khi một nhà quản lý trở nên nổi tiếng với khả năng lắng nghe của mình thì mọi người sẽ xếp hàng để mong nói với anh hay cô ta về đủ thứ. Một số còn nán lại quá mức cần thiết. Số khác thậm chí còn cho rằng nói chuyện với bạn còn thú vị hơn làm việc. Bạn cần phải dùng đến một số đồ chơi trong túi càn khôn quản lý của mình để kết thúc những cuộc trò chuyện như vậy.

“Tôi rất trân trọng vì anh đã đến”

“Nói chuyện với chị thật thú vị”

“Tôi cần thêm một chút thời gian để suy nghĩ và sẽ liên hệ với cậu sau nhé”

Có lẽ bạn cũng biết một số “chiêu” tinh tế hơn để làm điều này. Bạn nên chú ý đến chúng vì hai lẽ sau: thứ nhất, để bạn có thể hiểu ngay khi một quản lý khác có kinh nghiệm hơn áp dụng đối với bạn, và thứ hai, để bạn có thể xuất chiêu khi thích hợp.

Nếu đã từng nói chuyện trong văn phòng của ai đó và khi bạn đang nói, họ với tay đến điện thoại dù điện thoại không hề reo thì bạn nên hiểu mình cần phải làm gì. Hành động đó ngụ ý rằng:” Ngay khi anh đi, tôi sẽ gọi điện thoại”. Một chiêu khác là anh hay cô ta có thể nhặt một tờ giấy ở trên bàn và thường xuyên nhìn vào tờ giấy đó trong khi đang nói chuyện với bạn. Việc cầm tờ giấy trong tay ám chỉ rằng:” Tôi có chuyện cần làm sau khi chúng ta nói chuyện xong.”

Khi một đồng nghiệp hay nhân viên bước vào phòng mà bạn biết trước những chiêu thức của mình sẽ không “nhằm nhò” gì thì hãy bắt đầu cuộc đàm thoại bằng cách cho họ biết bạn có rất ít thời gian (cũng chính đáng đấy chứ) và nếu không kịp thì xin hẹn vào một dịp khác. Bạn sẽ thấy chiến lược này tỏ ra khá hiệu nghiệm. Vị khách của bạn sẽ cố gắng nói trong thời gian cho phép.

Những món đồ chơi này rất quan trọng. Dĩ nhiên, bạn cũng cần phải duy trì hiệu quả của cuộc đàm thoại ở mức cần thiết nhằm tránh tác động của những chiêu thức đó lên bản thân cũng như người khác. Còn rất nhiều, nhưng bạn hãy tự soạn ra một danh sách cho riêng mình và dần dần bạn sẽ thấy mỗi người một phong cách riêng không ai giống ai.

Tóm tắt

Con người thích có ai đó ở bên cạnh thật sự quan tâm đến mình. Kĩ năng lắng nghe tồn tại trong rất nhiều khía cạnh của công việc và đời sống riêng tư. Điều thú vị là bạn có thể bắt đầu áp dụng những kĩ năng này ngay bây giờ vì bạn sẽ nhận thấy mọi người đều thích ở bên bạn. Đây là một thái độ không có gì sai trái. Bạn được mọi người quý mến và các thành viên trong nhóm có một vị quản lý biết cách làm cho họ hài lòng về bản thân mình.

Mọi người đều có lợi. Bạn cần phải năng vun đắp những kĩ năng lắng nghe nêu trên nhưng cuối cùng thì chúng cũng sẽ trở thành bản chất thứ hai trong bạn. Ban đầu có thể bạn thấy mình cư xử như một nhân vật trong trò chơi nhập vai. Nhưng dần dần bạn sẽ không thể phân biệt được đâu là nhập vai, đâu là bạn. Bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái với những thói quen này sau một quá trình tập luyện để rồi trở thành một phần trong hành vi thường ngày của bạn. Bạn sẽ rất hài lòng khi mọi người đều quý mến và thích ở bên bạn. Và cuối cùng bạn cũng trở thành một nhà quản lý hiệu quả hơn.

Lược Dzịch

Email Subscription Test

This is for FeedBurner Email Sub Testing only