Notes On Vietnam's Economy

Dec 28, 2007

Bài viết của TS. Vũ Quang Việt - Trưởng nhóm chuyên gia phân tích thuộc Cục Thống kê Liên hip quốc (New York). Đăng tải trên VnEconomy ngày 28/12/2007

Tôi đã định viết một bài nhằm đánh giá chất lượng nền kinh tế và khả năng điều hành nền kinh tế của Nhà nước hiện nay. Nhưng rồi thấy đề tài như thế cần nhiều số liệu thống kê mà hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa làm hoặc có làm nhưng chưa công bố đầy đủ, vậy chỉ có thể trình bày các ghi chú.

Vấn đề thông tin thống kê

So với trước đây, có thể thấy một số chuyển đổi khá tốt về việc cung cấp thông tin của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên các ngành khác vẫn bình chân như vại. Mạng Ngân hàng Nhà nước gần như không có thông tin. Đành phải dùng số liệu về tiền tệ tín dụng Việt Nam nộp cho IMF, hoặc ADB nhưng rồi gặp vấn nạn mỗi nguồn một phách.

Có lẽ những nơi này phải sử dụng một số số liệu được cung cấp, tìm thêm số liệu từ các nguồn khác và rồi tự tính. Vẫn không hiểu tại sao thông tin về tiền tệ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ ưu ái cho tổ chức và người nước ngoài nhưng lại giữ bí mật với dân đến thế.

Mạng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có khá hơn một chút, có một số các văn bản, nhưng muốn theo dõi thông tin có tính chất tổng hợp thì không biết tìm ở đâu. Không hiểu nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp thông tin về thị trường chứng khoán thuộc về ai: Ngân hàng Nhà nước như ở Mỹ hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cứ theo nhiệm vụ được giao cho ủy ban này là “thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán…” và “tổ chức nghiên cứu khoa học về chứng khoán và thị trường chứng khoán” thì ắt nhiệm vụ thu thập thống kê về thị trường chứng khoán phải thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tìm thông tin hàng ngày về chứng khoán thì phải đến các sàn giao dịch riêng như ở TPHCM và Hà Nội là đương nhiên, nhưng đây không phải là nơi thu thập mà chỉ là nơi phải cấp thông tin để Nhà nước nắm tình hình, chẳng hạn như về giá trị cổ phiếu mà người nước ngoài hiện nắm giữ. Những thông tin này cực kỳ cần thiết để Nhà nước ra quyết sách. Việc rút khỏi thị trường của vốn nước ngoài có thể làm tê liệt nền kinh tế.

Nói về thông tin thì không phải chỉ xem có thông tin hay không mà cũng phải duyệt qua chất lượng thông tin. Bộ Tài chính có khẩu hiệu khá ấn tượng “công khai ngân sách nhà nước” trên mạng của bộ. Các nước thường công bố thu chi ngân sách tạm kết toán ngay sau năm tài khóa, để so với dự toán, rồi sau đó điều chỉnh dần cho đến khi có quyết toán (ngay ở châu Âu, nhiều nước tiếp tục điều chỉnh ít nhất là năm năm sau đó, không phải chỉ vì các khoản chi thu cần được làm sáng tỏ mà còn vì sự thay đổi của nguyên tắc kế toán).

Ở nước ta, Bộ Tài chính mới chỉ quyết toán năm 2005 vào gần cuối năm 2007, tức là gần hai năm sau mới đưa ra số liệu. Tuy vậy, số liệu năm 2005 này giúp ta thấy được một tình trạng khá kinh ngạc mà hình như chưa ai để ý tới: đó là sự khác biệt lớn giữa quyết toán và dự toán.

Thí dụ năm 2005, quyết toán chi là 313.000 tỉ so với dự toán chi do Quốc hội định là 230.000 tỉ, cao hơn 36%, (nếu trừ đi phần đã xuất quỹ nhưng chuyển sang năm tới để chi thì quyết toán chi vẫn cao hơn dự toán là 28%). Đây một con số quá lớn làm ta phải đánh dấu hỏi về khả năng kiểm soát thu chi nhà nước của Quốc hội.

Kể ra, công khai như thế cũng đã là bước tiến “nhảy vọt” kể từ sau đổi mới bởi trước đó ngân sách là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, bộ cũng cần thêm bước “tiểu nhảy vọt” nữa vì trong ngân sách hiện nay vẫn có đến 12-15% ngân sách chi cho sự nghiệp suốt từ năm 2000 đến nay không biết chi vào đâu. Ngoài ra mỗi năm lại còn một phần khá mù mờ, đó là phần đã xuất quỹ nhưng chưa quyết toán, năm nào cũng lớn, thí dụ năm 2004 lên tới 9% chi ngân sách. Nói tóm lại, số liệu cho thấy có trên 20% chi ngân sách chưa có lời giải thích.

Số liệu về lao động có việc làm là thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng kinh tế, và nhằm theo dõi sát sao tình hình kinh tế. Các nước thường xuất bản số liệu này hàng tháng, còn Tổng cục Thống kê chỉ điều tra hàng năm vào tháng 7, nhưng số liệu công bố vào lúc này trên mạng thì chỉ có đến năm 2004.

Khởi sắc và vấn đề mới phải đối mặt

Tốc độ tăng GDP có thể nói là khởi sắc. Nợ nước ngoài thấp. Khả năng trả nợ không có vấn đề. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mở rộng thêm khả năng gắn bó và mở rộng thị trường với kinh tế thế giới mà không còn bị vấn đề chính trị ngăn cản.

Sự hồ hởi của người nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam là chưa từng thấy. Điều này đã phản ánh qua luồng ngoại tệ đổ vào Việt Nam cao nhất từ xưa đến nay từ đầu tư trực tiếp đến đầu tư gián tiếp qua việc mua cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam. Khi số liệu thống kê năm 2007 được thu thập đầy đủ, ta sẽ thấy rõ vấn đề này hơn.

Năm 2007, số ngoại tệ đưa vào Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước mua vào đã lên tới 9 tỉ USD hoặc hơn. Chính vì vậy, Việt Nam đang cố tìm cách quản lý tình hình phức tạp này. Ngoại tệ vào nhiều tạo ra hai vấn đề. Số cung ngoại tệ nhiều sẽ làm ngoại tệ mất giá, hay nói khác đi, tiền đồng lên giá đối với ngoại tệ.

Vấn đề thứ hai là việc phát hành tiền đồng để đổi ngoại tệ sang tiền đồng đã làm tăng số cung tiền đồng trên thị trường. Điều này nếu không có biện pháp xử lý nhằm triệt tiêu số tiền đồng trên sẽ làm lạm phát nhảy vọt. Không thể phát hành trái phiếu nhà nước vì tiền thu về, Bộ Tài chính sẽ đem ra chi, làm tăng áp lực lạm phát.

Thực tế trong tình hình hiện nay là phải giảm chi của Bộ Tài chính. Như vậy, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể làm việc triệt tiêu tiền trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu ngân hàng thu tiền về và giữ trong kho.

Vấn đề phát hành tiền đồng quá trớn đã xảy ra từ lâu, lạm phát cao cũng đã xảy ra từ lâu, ít ra từ năm 2004. Luồng ngoại tệ đổ thêm vào Việt Nam năm 2007 chỉ như đổ dầu thêm vào lửa thôi. Hiện tượng phát hành tiền Việt quá nhiều trong thời gian dài là nhằm vào mục đích tăng chi tiêu nhà nước, nhất là vào đầu tư để chạy đua lập thành tích đạt con số tăng GDP cao.

Do đó không thể đánh đồng tỷ lệ tăng GDP cao với tỷ lệ phát triển kinh tế. GDP to nhưng bị cắt xén bỏ túi riêng, chất lượng xây dựng thấp kém, ô nhiễm môi trường nặng nề, tăng tỷ lệ nghèo đói…

Lạm phát và mầm mống của bất ổn

Giá tăng liên tục có lẽ đang làm tăng tỷ lệ dân không đủ ăn, phá vỡ một thành tích đạt được trong thời đổi mới, đặc biệt là lạm phát giá lương thực và thực phẩm trong 10 tháng đầu năm lên trên 10%, riêng lương thực là 15%.

Không đủ ăn được định nghĩa là không đủ 2.100 calories hàng ngày và tính theo thời giá là 200.000 đồng một tháng. Tỷ lệ dân không đủ ăn là 19,5% năm 2004 theo nghiên cứu của Việt Nam công bố trên website của World Bank. Như vậy có đến hơn 16 triệu người không kiếm nổi 200.000 đồng một tháng.

Lạm phát cao và liên tục làm người có lương cố định nghèo đi. Từ năm 2000 đến nay, nếu không được tăng lương thì mức sống của người lao động vào năm 2006 đã giảm 42%. Dân lao động khó có thể ngồi yên mà không đòi tăng lương, và việc tăng lương lại góp thêm vào vòng xoáy lạm phát.

Lương tăng nhưng giá trị tiền đồng lại lên giá so với ngoại tệ, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì hàng Việt Nam mất khả năng cạnh tranh về giá. Điều này lại càng làm cho cán cân xuất nhập khẩu âm lớn hơn hiện nay.

Có một hiện tượng nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 2004 đến nay là việc tăng tín dụng, phát hành tiền đã làm tăng lạm phát, làm tiền đồng nhanh chóng mất sức mua trong nội bộ nền kinh tế, trong khi đó giá trị tiền đồng so với đồng USD Mỹ lại tăng giá, làm mất tính cạnh tranh của hàng Việt Nam. Trong vòng bốn năm qua đồng Việt Nam đã lên giá 13% so với đồng USD Mỹ.

Nếu ai hỏi tôi về chính sách ưu tiên cần thực hiện hiện nay thì tôi phải trả lời đó là chống lạm phát. Nếu không làm, xã hội sẽ ngày càng mất ổn định. Thật khó hiểu khi nhiều nhà làm chính sách vẫn hô hào làm sao giữ lạm phát thấp hơn tốc độ phát triển là được.

Nếu lạm phát cứ 8% hoặc cao hơn mỗi năm, người lao động ngày càng nghèo, người có tài sản ngày càng giàu vì mọi người có khả năng sẽ đổ xô mua tài sản vì nó là biện pháp duy nhất bảo vệ giá trị tài sản. Lúc đó thì tốc độ tăng trưởng dù có đạt 8 hay 10% chỉ có lợi cho người giàu, còn người nghèo sẽ bị bỏ lại bên lề xã hội. Mà người nghèo có thể tới 80-90% dân số chứ không ít. Trước đổi mới, lạm phát làm mọi người cùng nghèo. Hiện nay chỉ có dân không có tài sản mới bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lại có lý luận hết sức buồn cười là lạm phát hiện nay là do giá dầu tăng. Cứ nhìn thống kê thì thấy lạm phát ở Việt Nam không mới, đã ở mức không chấp nhận được từ năm 2004.

Lý luận trên ngược lại với những thông tin sẵn có về lạm phát thấp ở nhiều nước mặc dù họ cũng gặp vấn đề giá dầu tăng. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng giá cao nhất. Trong sáu năm qua, đồng tiền đã mất sức mua 42%. Còn những nước không có xăng dầu như Nhật thì giảm phát, Singapore và Hàn Quốc thì lạm phát rất thấp dù họ không có dầu hỏa.

Tất nhiên việc tăng giá dầu có tác động đến mặt bằng giá chung, nhưng chính sách tiền tệ và tín dụng đúng đắn vẫn có khả năng điều chỉnh. Hiện nay, năm 2007, Mỹ có bị áp lực tăng giá do giá dầu tăng, nhưng cũng chỉ tới mức 3,5%. Nhật vẫn tiếp tục âm. Còn Thái Lan, Singapore đều dưới 2,7%, Malaysia dưới 2%.

Các nước khác lạm phát cao thì đều là do sai lầm về chính sách, chứ không chỉ vì giá dầu. Chỉ nhìn tốc độ tăng tiền tệ hay tín dụng hàng năm ở Việt Nam là biết tại sao giá tăng.

Chạy đua và gian dối

Việc chạy đua đạt tốc độ tăng GDP thần kỳ đã phổ biến rộng khắp toàn xã hội. Những con số mới nhất mà các tỉnh đưa ra cho thấy tốc độ tăng GDP của họ là thần kỳ giả tạo. (Đáng lẽ vấn đề công bố thống kê phải thuộc Tổng cục Thống kê chứ không thuộc tỉnh). Những con số mà mà các tỉnh báo cáo cho thấy điều phi lý là họ chạy nhanh hơn cả nước.

Với tình trạng hiện nay, trung ương chạy đua và các tỉnh cũng cùng chạy đua theo tiếng còi chỉ tiêu GDP. Không biết đầu tư từ ngân sách (lên đến trên 9% GDP, bằng một phần ba ngân sách) sẽ phí phạm biết chừng nào.

Đã là một nền kinh tế thị trường thì đáng lẽ việc đạt tốc độ tăng không nằm trong tay Nhà nước mà trong tay doanh nghiệp và dân chúng. Vậy thì có lý gì phải có chỉ tiêu tăng GDP để phí phạm.

Đồng ý là cần dự báo GDP để cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp có thể tính toán về thị trường và về nhu cầu đầu tư cho hạ tầng như điện, nước, đường sá, cầu cảng... nhưng không nên xem nó là chỉ tiêu phải đạt để rồi phí phạm ngân sách. Dự báo và chỉ tiêu là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Theo TBKTSG